KINH TẾ

Cờ Đỏ, Phong Điền: Ra mắt Tổ hợp tác trồng cây ăn trái
Cập nhật lúc 08:26 ngày 09/09/2020 - Số lượt xem: 658

Huyện Cờ Đỏ vừa tổ chức ra mắt tổ hợp tác trồng cây ăn trái Thới Bình tại thị trấn Cờ Đỏ.


Huyện Cờ Đỏ vừa tổ chức ra mắt tổ hợp tác trồng cây ăn trái Thới Bình tại thị trấn Cờ Đỏ.



Lãnh đạo UBND thị trấn Cờ Đỏ phát biểu tại buổi lễ ra mắt Tổ hợp tác trồng cây ăn trái Thới Bình. Ảnh: Thanh Bình.

Sau thời gian chuẩn bị Tổ hợp tác trồng cây ăn trái Thới Bình được thành lập có 11 thành viên với 1,2 ha diện tích trồng cây ăn trái chủ yếu là Ổi Rubi. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên sẽ được Hợp tác xã Nông nghiệp Cờ Đỏ cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra bằng với giá thị trường. Tại buổi lễ ra mắt, lãnh đạo UBND thị trấn Cờ Đỏ đề nghị trong thời gian tới tổ hợp tác cần duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động để hướng tới phát triển thành hợp tác xã, tuyên truyền vận động kết nạp thêm thành viên mới. Các ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, mở rộng diện tích cây trồng, hướng dẫn tổ hợp tác hoạt động ngày càng chất lượng. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án số 15 của Ban Thường vụ Huyện ủy Cờ Đỏ về phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Đến thời điểm này Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ đã thành lập và ra mắt được 13 tổ hợp tác, riêng tại thị trấn Cờ Đỏ có 3 tổ hợp tác trồng cây ăn trái và trồng rau sạch.   

* Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền cũng tổ chức ra mắt mô hình “Tổ hợp tác trồng dâu ấp Tân Thuận” và mô hình “Tổ nghề nghiệp trồng dâu ấp Tân Thuận”.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa trao quyết định thành lập 2 mô hình Tổ nghề nghiệp trồng dâu ấp Tân Thuận. Ảnh: Nhựt Tân.

Tổ hợp tác trồng dâu ấp Tân Thuận, hiện có 11 thành viên tham gia, sản xuất trên 7 ha dâu, trong đó có các loại cho giá trị kinh tế cao, như: Dâu hạ châu, dâu xiêm,… được trồng từ 5 đến 10 năm, đang cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các tổ viên, ước tính doanh thu mỗi năm khoảng 400 triệu đồng/ha. Việc thành lập tổ hợp tác, nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng trái cây theo hướng chuyên canh, hỗ trợ kỹ thuật cho nhau, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ vốn xoay vòng giúp các tổ viên chuyển đổi hiệu quả từ vườn tạp sang vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, tạo ra trái cây sạch, an toàn, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhằm tìm đầu ra ổn định cho nhà vườn. Tại buổi ra mắt, tổ hợp tác đã thông qua kế hoạch và phương hướng hoạt động, tổ chức, quản lý. Dịp này, Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa cũng ra mắt 2 mô hình “Tổ nghề nghiệp trồng dâu ấp Tân Thuận” từ 11 thành viên của Tổ hợp tác trồng dâu Tân Thuận nhằm giúp công tác quản lý, trao đổi kỹ thuật cho tổ hợp tác được hiệu quả, thuận lợi, hỗ trợ sâu sát cho Tổ hợp tác trồng dâu ấp Tân Thuận được hiệu quả cao hơn.

Được biết, toàn huyện Phong Điền hiện có khoảng 8.315 ha diện tích vườn cây ăn trái, hiện có hơn 100 mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, với hơn 2.500 thành viên tham gia, mỗi năm cho ra thị trường hàng chục nghìn tấn trái cây các loại.

Thanh Bình, Nhựt Tân





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết