KINH TẾ

Kỹ sư trẻ khởi nghiệp từ mô hình trồng dưa lưới
Cập nhật lúc 10:32 ngày 30/09/2020 - Số lượt xem: 783


Tốt nghiệp ngành Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ năm 2019, thay vì đi xin việc làm, kỹ sư trẻ Nguyễn Lê Minh Khang, ở Khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn quyết định tự mình khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính.


Lãnh đạo Phòng kinh tế quận Ô Môn tham quan mô hình trồng dưa lưới của kỹ sư trẻ Nguyễn Lê Minh Khang.

Khu nhà kính trên 500m2 được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt có chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng. Với 1.500 gốc dưa lưới giống TL3 sau 75 ngày chăm sóc thu hoạch được 1,4 tấn trái. Mặc dù đạt về sản lượng và độ ngọt nhưng số trái loại 1, trên 1,2kg ít. Thêm giá bán không cao do ảnh hưởng tình hình dịch COVID – 19. Nhưng theo anh Khang đây là một khởi đầu chấp nhận được. Anh Nguyễn Lê Minh Khang, chia sẻ: “Mô hình trồng dưa này hiện đang phát triển mang lại sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Thị trường rất hút tuy nhiên giá hơi thấp do đang trong mùa dịch. Giá từ 25.000 – 30.000 đồng/1kg là đã có lời. Trồng thử nghiệm như thế này là đạt rồi”.

Anh Khang cho biết thêm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính có nhiều ưu điểm như: quản lý cây tốt hơn, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cho ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, người trực tiếp sản xuất cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dưa lưới là loại cây trồng đòi hỏi cao về công chăm sóc. Kỹ thuật quan trọng giai đoạn thụ phấn kỹ thuật phải nắm, thời tiết nếu mưa nhiều tỷ lệ đậu trái không được cao, năng suất không đạt. Dinh dưỡng mình kiểm soát được. Đối với dưa ưa nắng, càng nắng càng tốt. Với giống TL3 này khỏe, chăm sóc ít, năng suất cao, vỏ dày nên vận chuyển đi xa được. Từ đây tới tết tôi mở rộng thêm 1.000 đến 2.000 mét vuông.


Kỹ sư Nguyễn Lê Minh Khang thu hoạch dưa lưới.

Nhận định về mô hình trồng dưa lưới đồng chí Trần Thị Hồng Yến, Phó Phòng Kinh tế quận Ô Môn, cho biết: Mô hình trồng dưa lưới ở đây được xem là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn quận. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu lớn. Tuy nhiên, đây là mô hình cho ra sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng và an toàn. Đặc biệt là ít tốn diện tích đất phù hợp với việc phát triển nông nghiệp đô thị trong điều kiện đô thị hóa. Hướng tới phòng sẽ có nghiên cứu tham mưu UBND quận hỗ trợ và nhân rộng các mô hình như thế.

Ứng dụng những kiến thức tiếp thu ở giảng đường kết hợp với không ngừng tìm hiểu, học hỏi; đặc biệt với quyết tâm cao sẽ là chìa khóa để kỹ sư trẻ Nguyễn Lê Minh Khang tự tin trên con đường khởi nghiệp, góp thêm nguồn nông sản chất lượng  và giúp những người muốn thay đổi giống cây trồng hiệu quả hơn có cơ sở để đối chiếu, lựa chọn.

Văn Phương, Văn Hân

(Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh quận Ô Môn)





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết