Chính trị, xây dựng đảng, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Cờ Đỏ: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
Cập nhật lúc 04:04 ngày 04/05/2024 - Số lượt xem: 801

Cờ Đỏ: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”


Ngày 04/5/2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Cờ Đỏ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)“Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33-NQ/TW). Đến dự Hội nghị có đồng chí Phạm Thế Vinh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; đồng chí Huỳnh Mười Một, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ; đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cờ Đỏ; ...

Đồng chí Huỳnh Mười Một, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trong 10 năm qua trên địa bàn huyện Cờ Đỏ đã đạt được những kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tham mưu, đề xuất, xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn. Nhận thức về vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị và xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa tăng về số lượng và từng bước cải thiện về chất lượng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào trong Nhân dân. Vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế được chú trọng, kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Đời sống văn hoá ở cơ sở có bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Công tác xã hội hoá được đẩy mạnh, thu hút các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có tác động tốt đến xoá đói giảm nghèo, xây dựng gương người tốt việc tốt, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng gia đình văn hóa, xã, ấp văn hóa... góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Dân chủ trong xã hội ngày càng tăng lên; tính năng động, tích cực của công dân được phát huy. Nhiều chuẩn mực văn hóa truyền thống tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển. Ý thức tích cực, tự giác của Nhân dân trong các hoạt động sinh hoạt văn hoá ngày càng tăng, cả xã hội chung tay xây dựng và phát triển văn hóa. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn; công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng luôn quan tâm đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, trong đó lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa luôn được chú trọng.

10 năm qua, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được quan tâm, từng bước nâng cao mức hưởng thụ của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hoá dân gian; nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu; kết hợp hài hoà việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch. Hệ thống Trung tâm văn hóa xã được đầu tư xây dựng; thư viện điện tử huyện và các phòng đọc sách xã hoạt động thường xuyên phục vụ Nhân dân (đến nay toàn huyện có 11 thư viện, phòng đọc sách; thu hút 140.886 lượt người đọc). Công tác giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương được chú trọng thực hiện. Các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được bảo tồn và phát huy hiệu quả; hoạt động văn học - nghệ thuật được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú và đa dạng; thực hiện tốt các loại hình nghệ thuật quần chúng; hằng năm, tổ chức nhiều buổi diễn văn nghệ quần chúng và hàng chục buổi liên hoan, hội thi, hội diễn; thu hút hơn 26.800 lượt người xem; đến nay có 60 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng cấp huyện, xã.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” tiếp tục nâng cao chất lượng; xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, gương người tốt, việc tốt ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; số hộ được công nhận gia đình văn hóa luôn đạt tỷ lệ tăng dần từ 93,32% (năm 2014) và hiện nay là 96,38%; toàn huyện có 74/74 ấp văn hóa, 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 01 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện được công nhận huyện nông thôn mới năm 2019. Quan tâm thực hiện xây dựng con người Cờ Đỏ phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; văn hóa trong kinh doanh, văn hóa trong ứng xử, làm cho giá trị văn hóa tốt đẹp thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, để văn hóa thật sự là nền tảng xây dựng và phát triển con người Cờ Đỏ phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tiếp tục được phát huy; xây dựng văn hóa tiêu biểu; đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của thư viện huyện và các xã, thị trấn. Quan tâm tạo điều kiện đội ngũ cán bộ ngành văn hóa tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị “về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và Kết luận 51-KL/TW ngày 22/07/2009 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW; việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến tích cực; giữ được những nghi lễ, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được phát huy và được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa đồng bào tôn giáo với Đảng, với Nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ người cơ nhỡ, khó khăn, giảm nghèo bền vững, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, góp phần phát triển văn hóa - xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan tâm công tác đấu tranh, phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch, các hành vi tiêu cực; lãnh đạo, hướng dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp Nhân dân, nâng cao ý thức cảnh giác đối với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn các nội dung xấu, độc phát tán trên Internet, thông tin trái chiều, thông tin sai lệch phát tán trên mạng xã hội...

Mặc dù vậy, việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa vẫn còn những hạn chế; các sản phẩm văn hóa độc hại vẫn còn len lỏi trong đời sống Nhân dân; cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế nhất định.

Đồng chí Huỳnh Mười Một, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ; đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cờ Đỏ trao tặng giấy khen cho các tập thể.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ Huỳnh Mười Một nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển bền vững đất nước; trong đó phát triển con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Vì vậy, xây dựng văn hóa và con người Việt Nam nói chung, văn hóa và con người Cờ Đỏ nói riêng phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và của mỗi người dân. 

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, đồng chí Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là:

Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW, Kế hoạch số 68-KH/HU ngày 26/8/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Chương trình hành động số 45-CTr/HU ngày 07/11/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị; Kế hoạch số 72-KH/HU ngày 30/6/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2030. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Hai là, tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước; xây dựng và phát triển văn hóa gắn với thực hiện các nội dung Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Kết luận số 21-KL/TW, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, lãnh đạo doanh nghiệp và những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng và xã hội. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế và chính trị. Triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực tiễn. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”...

Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả tinh thần nội dung Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Thông báo Kết luận số 213-TB/TW ngày 02/01/2009 của Ban Bí thư về Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 25/8/2010 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010. Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”; đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị “về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình số 03-CTr/TU ngày 04/11/2020 của Thành ủy Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW. Tiếp tục triển khai, phát động phong trào xây dựng con người Cần thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”.

Năm là, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; huy động nguồn lực của mọi tầng lớp xã hội đầu tư và tổ chức đời sống văn hoá, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị và giữa các tầng lớp trong xã hội; nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hoá, nghệ thuậtl; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương nhằm phục vụ cho hoạt động văn hóa và phát triển du lịch.

Sáu là, tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động thông tin đối ngoại giữa huyện với các đơn vị bạn; chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm tốt, phù hợp trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa; thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của huyện với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Dịp này, Ban Thường vụ Huyện ủy Cờ Đỏ tặng giấy khen cho 18 tập thể đã có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

                                         Tin, ảnh: Trọng Thủy – Văn Duyên





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết